Gia-Định báo và Petrus Ký. Từ hồi nước Việt giành lợi độc-lập gần 1000 năm trước,các vương trào ngoài bắc mượn chữ Hán xài trong các văn-bản hành-chánh,sách vở... dầu vậy tiếng nói vẩn là tiếng Việt. Thế kỷ 13,trào vua Trần-Nhân-Tông( 1278-1293) thì có chữ Nôm ra đời. Nhưng chữ này cũng khó xài,phải biết chữ Hán. Sang tận thế kỷ 17,ta bắt đầu có chữ viết riêng,tức là chữ Quốc-ngữ ngày hôm nay. Thiệt ra ban đầu chữ này là " phương tiện" cho người ngoại quốc học tiếng Việt của ta,đây là chữ để các Linh-mục người Việt giao tiếp với người nước ngoài. Nguồn gốc như thế nào thì ít nhiều ta có nghe qua rồi. Không riêng tiếng Việt,cả tiếng Trung-Hoa và tiếng Nhựt-Bổn cũng được các nhà truyền giáo châu-Âu tạo ra các bộ mẫu tự La-tinh để dễ giao tiếp,và hai xứ này đi trước ta lâu rồi. Và xứ Đàng-Trong là nơi xài chữ Quốc-ngữ đầu tiên. Thiệt ra lúc đầu dân Nam-Kỳ cũng không chịu học chữ Quốc-ngữ,thậm chí là chống đối việc học này,do chịu nhiều ảnh hưởng từ Tam-giáo( Phật-Nho-Lão). Chữ Nho vẩn được coi trọng trong đời sống thời đó. " Anh về học lấy chữ Nhu Chín trăng em đợi,mười thu em chờ". Chữ Nhu tức là chữ Nho đó. Người Pháp họ có thâm ý là xóa bỏ tiếng Việt,buộc dân xài tiếng Pháp,họ cho xuất bản các báo tiếng Pháp là: -Le Bulletin Officiel de l’Expedition de la Cochinchine (Nam-Kỳ viễn-chinh công-báo) -Le Bulletin des Communes (Xã-thôn công-báo). - Le Courrier de Saigon (Sài-Gòn thơ-tín). Nhưng tiếng Pháp vẫn còn là một cách biệt lớn giữa chánh-quyền thực-dân và dân chúng Nam-Kỳ. Nhìn chung là việc phát hành báo tiếng Pháp cũng như tiếng Hoa thất bại. Và sự ra đời của Gia-Định báo. Năm 1865, Trương-Vĩnh-Ký xin lập một tờ báo quốc-ngữ mang tên là Gia-Định Báo. Pháp đồng ý, " giấy phép xuất bản" ký ngày 1/4/1865,nhưng người đứng tên cho tờ báo là ông Ernest Potteaux, một viên thông-ngôn làm việc tại Soái-phủ Nam-Kỳ,chớ không phải Petrus Ký. Cái tên " chữ Quốc-ngữ" xuất hiện đầu tiên là trên báo Gia-Định vào năm 1867,trước đó nó được gọi là " chữ Tây quốc-ngữ", sau được bỏ chữ Tây,thành ra chữ Quốc-ngữ,văn tự của tiếng Việt. ( Trích)“Trương-Vĩnh-Ký luôn chủ trương người Việt phải dùng chữ Việt. Người Việt-Nam phải dùng tiếng Việt để nói tiếng Việt; và muốn được sâu sát nữa về phương diện triết học, sử học và di-sản văn-hoá dân-tộc thì phải biết chữ Hán nữa.” ( Nguyễn Đình Đầu, Petrus Ký, Nỗi oan thế kỷ, bị thâu hồi). Ngày 16/9/1869 mới có Nghị-định của Chuẩn Đô-đốc Ohier ký giao Gia-Định-Báo cho Trương-Vĩnh-Ký làm "chánh-tổng-tài" (tiếng Pháp: rédacteur en chef),nay gọi là giám-đốc. Ngoài ra còn có ông Huỳnh-Tịnh-Của làm chủ bút. Từ đây Trương tiên-sanh có cơ hội để phát huy sở học,phát triển dịch-thuật và viết văn bằng chữ quốc-ngữ. Đây cũng là vị trí và phương-tiện giúp ông phổ-biến rộng rãi hơn chữ quốc ngữ. Ông rất tâm huyết cho việc phổ biến chữ Quốc-ngữ cho người dân. Ông nhấn mạnh trong cuốn Manuel des écoles primaires (Giáo trình cho các trường tiểu học,năm 1876) về lợi ích của chữ Quốc-ngữ như sau : " Chữ quốc-ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà. Cần phải nắm vững nó cho điều tốt đẹp và cho sự tiến bộ. Vì thế, chúng ta phải tìm mọi cách để phổ biến chữ viết này " Chữ Quốc ngữ dễ học hơn nhiều so với chữ Hán,chỉ cần ba tháng là có thể viết/ đọc ro ro,do đó sẽ xóa được nạn mù chữ trong dân. Ông còn cho rằng,chữ Quốc-ngữ là công cụ duy nhứt để đạt tới trình độ" học thuật Châu-Âu". Phía Pháp thì họ muốn chụp lấy thời cơ này để tách dân Nam-Kỳ khỏi ảnh hưởng của văn-hóa Trung-Hoa. Năm 1882 thì chữ Quốc-ngữ trở thành Văn-tự chánh thức tại Nam-Kỳ. Nền văn-chương truyền khẩu bình-dân được Trương tiên-sanh chuyển ngữ ngay lập tức,bao gồm những áng văn vần,những câu chuyện dân gian,kể qua một số: - Phép lịch-sự Annam (1881), Thơ dạy làm dâu (1882), Thơ mẹ dạy con (1882), Nữ tắc (1882), Thạnh-suy bỉ thới phú (1883), Cờ bạc nha phiến (1884), Ngư tiều trường điệu (1884)... Vũ-Ngọc-Phan đã nhận định trong " Nhà văn hiện đại " như sau: "Hồi đó, ông (Trương-Vĩnh-Ký) cần phải xuất bản như thế, cốt dùng những chuyện phổ thông làm cái lợi khí cho chữ quốc ngữ được lan rộng trong nhân gian... " Ngày 16.9.1869, Thống-Đốc Nam-Kỳ,G. Ohier đã ký quyết-định số 189 bổ nhiệm Trương-Vĩnh-Ký phụ-trách biên-tập tờ Gia-Định Báo. Ông lãnh lương 3000 đồng quan Pháp mỗi năm. Thử coi qua lời kêu gọi của ông ngày 8/4/1870 trên báo Gia-Định để hình dung ngày xưa báo đăng những gì. "Lời cùng các thầy thông-ngôn, ký-lục, giáo-tập,vân vân đặng hay: Nay việc làm Gia-Định Báo tại Sài-Gòn, ở một chỗ, nên không có lẽ mà biết các việc mới lạ các nơi trong 6 tỉnh mà làm cho thiên-hạ coi; nên xin các thầy cứ mỗi tuần hay nửa tháng phải viết những chuyện mình biết tại chỗ, tại xứ mình ở, như: Ăn cướp, ăn trộm, Bịnh hoạn, tai nạn. Sự rủi ro, hùm tha, sấu bắt. Cháy chợ, cháy nhà; mùa màng thể nào. Tại sở nghề nào thạnh hơn vân vân Nói tắt một lời là những chuyện mới lạ, đem vô nhựt-trình cho người ta biết, viết rồi thì phải đề mà gởi về cho Gia-Định Báo Chánh-tổng-tài ở Chợ-quán…” Tờ báo có sự cộng tác của các ông: Paulus Huỳnh-Tịnh-Của,Tôn-Thọ-Tường,Trương-Minh-Ký. Báo ra không cố định ngày,có khi ra ngày thứ Ba nhưng cũng có khi ra thứ Tư,cách tuần. Số trang có khi là 4 có khi là 12,khổ báo là 32×25(cm). Giá bán mỗi số là 0,17 đồng,mua cả năm là 6,7 đồng,rẻ hơn. Báo có phần khảo-cứu, nghị-luận về văn-hóa, đạo-đức, phong-tục, lễ-nghi, tư-tưởng, lịch-sử, thơ-văn .v.v... Ít ai biết,báo Gia-Định thậm chí được đem vô trường cho học-trò làm sách tập đọc,vì nền giáo-dục khi đó mới được tổ chức,chưa có sách giáo khoa. Người Pháp đem sách họ sang nhưng không phù hợp với dân Nam-Kỳ,một phần cũng do trình độ,nên thôi. Sau đó Trương tiên-sanh và một số giáo viên người Việt và người Pháp ở cơ quan học-chánh Nam-Kỳ đã biên-soạn hoặc dịch một số sách giáo-khoa tiếng Pháp để dạy trong các trường tiểu-học. Rồi dần dần các sách được bổ xung thêm,hoàn thiện đưa vô cho các trường tiểu học giảng dạy.

via Facebook https://www.facebook.com/photo.php?fbid=311355229742889&set=a.123258138552600&type=3
Nhận xét
Đăng nhận xét
Hãy cmt một cách có văn hoá