GIAN ÁC NHƯ CỘNG SẢN VIỆT NAM LÀ CÙNG! Hình bên dưới đây là tù binh Miền Nam Việt Nam bị Cộng sản giam giữ và bỏ đói! Bản thân tôi, cũng bị giam giữ bởi CSVN vì ... yêu dân chủ, yêu tự do, và đã từng là một lảnh đạo SV của phong trào chống tội ác cộng sản. Tôi không phải là tù binh chiến tranh, như các anh này, nhưng tôi còn ốm ...hơn cả như vậy khi bị bọn chúng giam cầm tra tấn và đánh đập bỏ đói cho đến gần chết với một khẩu phần khắc khe là nữa chén bắp khô hầm, ngày hai lần khi còn bị biệt giam ở Trung tâm Tạm giam Plei-ku cũ. Sau đó bị giải giao xuống trại T15 Pleibon-giám thị Phó là Thiếu tá Châu, Giám thị Trưởng không nhớ rõ tên- là một trại tù khổ sai lao động, nằm sâu trong rừng, giam giữ vừa tù hình sự lẫn chính trị ở vùng Tây Nguyên, có vị trí ở gần khu vực đèo Mang Yang, trên Quốc lộ 19, nối liền Qui Nhơn và Pleiku. Tôi lấy bí danh giả vì đang bị truy nả gắt gao nên không thể nào liên lạc với gia đình bằng tên thật được. Mỗi khi đến kỳ thăm nuôi, hai tháng một lần, tôi có gắng ghi một vài giòng trên một mẫu giấy vò nhỏ lại có ghi địa chỉ của nhà mẹ tôi ở Nha trang, cột mẫu giấy đó vào một viên sỏi nhỏ, cố gắng quăng vào giỏ những thân nhân đến thăm nuôi tù. Vì che dấu lý lịch thật nên trong những ‘cánh nhạn’ bí mật đó, tôi gọi mẹ tôi bằng dì để đánh lạc hướng để che dấu lý lịch thật và dùng những lời lẽ bóng gió để hy vọng gia đình nhận biết người viết là ai. Thường thì khó tiếp cận được với những gia đình thân nhân đó, hơn nữa, những tay cán bộ CS luôn canh gát nghiêm nhặt bằng cặp mắt cú vọ những cuộc thăm nuôi tù. Có khi quăng giấy nhưng không lọt vào giỏ, có khi quăng lọt vào giỏ nhưng họ vô tình không biết. Biền biệt, không biết bao nhiêu lần, đến mãi hai năm sau gia đình tôi mới nhận được một trong những tin nhắn, biết tôi bị giam giữ tại đây. Khi được thăm nuôi, lần đầu tiên, mẹ tôi đã không nhận ra tôi, khi tôi chống gậy thất thểu xiêu vẹo đi về phía bà, bà đã té xỉu khi nhận ra ...cái bộ xương người biết đi đó, với cái sọ to hơn cả thân người , có đeo cặp kính cận của con trai bà! Trước đó, sau khi bặt tin tôi đã một thời gian lâu, tất cả gia đình và bạn bè cứ ngỡ tôi đã ..."hy sinh" trên vùng núi rừng cao nguyên trùng điệp thâm u này, và hằng đêm, tuy chưa lập bàn thờ ...cho tôi, nhưng mẹ tôi đều khấn vái, nếu linh hồn tôi... "sống khôn, thác thiêng" thì hãy báo mộng cho gia đình biết thân xác đã nằm xuống tại nơi nào để gia đình còn biết đường tìm kiếm mà mà chôn cất! Xin ngắt ngang ở đây, có lần sau khi bị giam vài năm, tôi vượt ngục về, ghé đến nhà của Ngân, bạn học vùng lớp và cũng là đồng chí , để xin tá túc qua đêm. Khi đó thì Ngân đang bị bắt giam ở trại tập trung Đồng Găng. Trời đã tối và bị cúp điện. Nhà Ngân ở trong hẻm Phương Sài Nhatrang. Tôi mặc cái áo lính vá nhiều mảng, vai đeo cái ba lô, đầu đội cái nón tai bèo sụp xuống để che khuôn mặt Lúc đó thấy bà mẹ của Ngân cùng với Lai là em Ngân, đang dùng đèn dầu tìm kiếm gì đó ở cái giếng trước mặt nhà, Tôi bèn lay lay cái cửa sắt kêu ‘lổn cổn’. Bác gái mẹ của Ngân tay cầm cây đèn dầu hôi bước đến hỏi: ‘Cậu muốn hỏi thăm ai?!’ Tôi dở vành nón lên, chưa kịp trả lời, dưới ánh đèn dầu mờ mờ, Bà nhận ra tôi và lảo đảo muốn xỉu. Lai đỡ lấy Bà, ‘Má có sao không?’ Lai hỏi. Bà chỉ ú ớ lấy tay chỉ vào tôi, thấy thế Lai cũng hơi sợ hãi đỡ Bà thối lui. ‘Con là Quý đây mà Bác!’ Tôi nói. ‘Anh Quý bạn anh Ngân mà Má!’ Lài trấn an Bà. Một hồi sau, lấy bình tỉnh hai mẹ con tiến đến gần một cách e dè, Bà hỏi: ‘Có thật con là Quý, đang còn sống hay là ma? Đừng nhát Bác tội nghiệp!’ ‘Ủa? Sao bác hỏi con như vây? Con còn sống sờ sờ nè!’ Tôi trả lời. “Sao thằng Ngân và tụi bạn con nó nói ‘thằng Quý ‘đụng độ’ và ‘hy sinh’ trên rừng biên giới Hạ Lào rồi?!” Bà vẫn còn vẻ hớt hãi trên mặt. ‘Tin đồn thôi Bác ơi!’ Tôi nói, ‘con còn sống nhăn răng nè!’ Tôi cười. ‘Con thò tay vào cho Bác xem!’ Lúc ấy, Bà vẫn chưa mở cửa cho tôi vào vì vẫn còn sợ! Tôi bèn thò cánh tay phải qua các song sắt. ‘Mà để làm gì vậy Bác?’ Tôi ngạc nhiên hỏi. ‘Còn rờ cổ tay của nó thử xem có xương không?!’ Bà nói với Lai. ‘Trời ơi! Má làm con run rồi nè!’ Lai nói giọng kinh hải. Tôi hiểu ý, Bà bảo Lai cầm tay tôi thử xem là người thật hay ma, mà nếu là ma thì người ta đồn là tay ....không có xương. Hiểu ý của Bà tôi bật cười ‘Ma gì mà ma, Bác!’ Tôi tiếp, nói với Lai, ‘anh Quý đây, đừng sợ, tay nè, xương cứng ngắt đây nè!’ Tôi cười, nhưng Lai đời nào dám đụng tới tay ‘con ma còn sống’ đâu! Khi đó có em trai của Ngân bước ra. Dẫu sao con trai dạn dĩ hơn, nhờ vậy tôi mới được mở cửa cho vào nhà, được tắm rửa, ăn uống và thay đồ sạch. Tối hôm đó cả nhà quay quần hỏi thăm công chuyện và mừng vì tôi vẫn còn sống chứ không phải như tin đồn. Bây giờ xin trở lại câu chuyện ở trại tập trung lao động khổ sai. Số khi là tù nhân “con mồ côi” đã quá lâu, khi được kêu tên có người nhà lên thăm nuôi, tôi cứ ngỡ là mình đang mơ, hoặc có lẽ người cai tù CS xướng lộn tên! Khi biết chắc chắn đúng là tên của mình, tôi bèn chống gậy đi về phía cổng trại để gặp người nhà thăm nuôi. Khi đó tôi còn mặc trên người một bộ quần áo bộ đội cũ, bộ đồ duy nhất còn giữ lại từ khi bị bắt, được "vá chằng, vá đụp", và tóc tôi thì được "húi" ngắn gần sát da đầu, vẫn đeo cái kính cận gọng đen, dưới ánh nắng vàng ấm áp và những cơn gió nhẹ se se lành lạnh buổi cuối đông của vùng cao nguyên, có lẽ tôi trông giống như một nhà hiền triết trẻ, thật gầy gộc và trắng xanh, và khi nào có gió mạnh là tôi phải bám víu vào một cái gì đó để khỏi bị ...thổi bay! Lúc ấy nếu cởi áo quần ra, thì cơ thể tôi chắc hẳn còn ...teo tóp hơn thân thể của các anh trong cái hình bên dưới! Thậm chí tôi còn nhớ rõ là tôi đã có thể để ngón tay của tôi lọt gọn giữa hai cái xương "be sường" của mình, dưới ánh nắng ấm cuối đông, rồi tự hỏi: "Thật kỳ lạ, sao mày vẫn ...còn sống?!" Những lúc này, chúng tôi thậm chí phải ăn cả ..cỏ, rau dại, hoặc cào cào, châu chấu, rắn rít, bất cứ thứ gì ăn được..v.v.. để sống sót! Do vậy bức hình này là thật, không bôi bác, xuyên tạc sự thật, và tôi tuy không hiện diện ngay tại không gian và thời gian của bức hình được chụp nhưng tôi khẳng định tôi là một nhân chứng sống của những bức hình như vậy. Và -chính bản thân tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng tôi sống sót với thân hình còn tệ hơn như của các anh tù binh này! Tôi không bao giờ quên được trong đời, hương vị con bò cạp mà tôi đã ăn sống sau khi bắt được nó dưới đống vỏ cây đã mục . Trời thì mưa gió, với những thân hình như thế này, bọn CSVN vẫn buộc anh em phải đi khổ sai lao động. Mục đích là chỉ để lợi dụng sức lực lao động của tù nhân, và bóc lột họ kiệt cạn cho đến chết. Thế mới không nói hết nỗi tàn độc của người cộng sản, chúng ta có thể dùng danh từ "cộng sản" như một từ phản nghĩa của "lòng nhân" hay"quân tử". Có những anh em khác, chỉ mắc mỗi một cái tội là ăn trộm một con gà, hay chiếc xe đạp, mà đành phải bỏ thây trong trại tù, sau một thời gian dài ba bốn năm "tập trung cải tạo" và bị hành hạ bởi lao động khổ sai cưỡng bức và cái đói như thế này! Trở lại con bò cạp, sau khi lật cái vỏ cây mục lên, thấy nó đang ngo ngoe cái đuôi với cái kim nọc độc thật hung hản, tôi dùng một cái que đè nó xuống, chộp nó ngay. Sau đó, chỉ cần bẻ cái đuôi có nọc độc, nhúng rửa sơ con bò cạp xuống nước ruộng, rồi thì bỏ thẳng vào mồm nhai rau ráu. Ứng Cuôn, một tù nhân người Việt gốc Hoa có tội vượt biên, cũng bắt được một con bò cạp, nhưng không bẻ nọc độc kỷ, khi bỏ vào miệng, nọc độc xì ra làm trắng bạch hai cái môi, may mà không nguy hiểm gì cả, chỉ bị nhức phỏng sơ. Tôi không nghĩ rằng sẽ bao giờ có một miếng ăn ngon hơn cái con bò cạp sống này ở trên đời, cái hương vị dịch đạm của nó gần như thẩm thấu ..thẳng qua thành bao tử để đi thẳng vào máu, huyết của một cái thân thể chỉ còn chút sức tàn! Đấy, cộng sản là thế đấy! Sau đấy, tôi lại bị sốt rét rừng hành hạ, trại tù thì tận tuốt trong rừng sâu, đường vào đắp bằng đất bùn, mùa mưa trơn trợt nguy hiểm vô cùng, không xe cộ nào ra vào được. Trại tù T15 nơi tôi bị giam giữ chỉ cách trại Gia Trung chừng năm bảy cây số xuyên rừng đường chim bay, cũng nằm lọt sâu trong rừng thiêng nước độc! Đã còn da bọc xương như vậy, mà bị sốt rét, và khí hậu lại lạnh lẽ rét buốt của núi rừng thì chắc chắn là "đi gốc le", có nghĩa là sẽ được chôn cạnh một bụi le nào đó! Cây le, đặc biệt chỉ mọc nhiều ở núi rừng Tây Nguyên, là một loại tre nhỏ lớn, to bằng cườm tay, Khi già được dân miền núi chặc làm cán cuốc rất chắc chắn, còn măng của nó thì rất là ngon, ngọt, vị dịu, không loại măng non nào ngon bằng măng le này cả. Măng nhỏ bán ở ngoài chợ chính là măng le . Măng le, cũ khoai mì, lá tàu bay là ba món phẩm vật trời ban để giúp bọn tù chúng tôi sống sót qua sự ngược đãi và hành hạ một cách không còn nhân tính của người cộng sản tại vùng Tây nguyên, chỉ với một mục đích: tra tấn và hành hạ anh em bọn tù chính trị khổ sai của chúng tôi bằng cái đói và cực hình khổ sai lao động cho đến chết! Những thủ đoạn đê hèn và tồi tệ dơ bẩn này, có dịp tôi sẽ kể sau, trong một chương khác! Trên đời này không có một thủ đoạn tàn độc và dã man hơn bằng dùng sự khổ sai lao động và cái đói khát, rét lạnh cùng cực để tra tấn một kẻ thù cho đến chết! Với thủ đoạn tra tấn đấy, người cộng sản đã dùng chính cái bao tử đói cồn cào, đói dày vò, đói điên cuồng, đói khốn nạn của những tù nhân sa cơ thất thế, để hành hạ những con người khốn khổ ấy, đêm này qua đêm đó ngày này qua ngày kia, cho đến một ngày họ sẽ ngã xuống, bất lực, cay đắng biết mình đang chết dần mòn và sẽ không bao giờ gặp lại được người thân và gia đình, những đứa con thơ dại, cha mẹ già yếu, những người vợ trẻ, linh hồn yếu đuối, nhưng chất chồng tủi hận ngất trời, trên những mái tóc còn xanh! Trở lại khi tôi đang hấp hối, vào giữa đêm, anh em cùng buồng gọi cấp cứu vì tôi đã sức cùng lực kiệt và không còn ý chí để ...gượng gạo với chốn trần gian này nữa! Thoạt đầu, những người cai tù cộng sản không muốn cho tôi lên trạm xá (y tế) vì lý do tôi là một tên tù "ngoan cố" cứng đầu từng vạch áo lòi ngực thách chúng bắn vì không chịu chấp nhận bị chúng làm nhục, bắt tôi ...tuột quần nằm xuống đất để một trên tù hình sự đánh roi trước mặt toàn thể tù nhân trại. Khi tên bộ đội Tư (một tên quản chế gian ác khét tiếng đã bắn chết hai phạm nhân trốn trại) chỉa súng ra lệnh cho tôi nằm xuống ngay giữa sân trại cạnh gốc cây sao cổ thụ, tôi vạch áo cười gằn với hắn: ‘Nếu ông bắn thì cứ việc bắn, chứ cuộc đời thằng đàn ông như tôi, chỉ có cha mẹ tôi là những người duy nhất trên tế gian có thể ra lệnh cho tôi nằm xuống để đánh roi! Tương lai, hạnh phúc và cuộc sống của tôi các ông đã cướp mất, tại sao tôi lại phải sống?!’ Đến giờ, tôi cũng không thể hình dung tại sao tôi lại dám liều như vậy, bởi vì bất cứ tù nhân nào chúng cho là ngoan cố ngoan cố là chúng có thể bắn tại chỗ hoặc có đủ cách để sát hại. Nhưng có lẽ quá bức xúc nên liều thì phải. Khi đó cái chân trái đau vẫn còn ‘cà lết’ vì bị bắn gãy xuyên đùi trên và cẳng chân cùng một viên đạn, trước khi bị bắt. Và hơn nữa, họ e rằng tôi sẽ vượt ngục khi đưa lên trạm xá. Điều này những anh em tù ở trại T15 Pleibong trong thời gian đầu khi mới chuyển qua trại mới, kể cả bác sĩ Nguyễn Văn Căn là người cứu mạng tôi biết rõ chuyện thách thức trong bước đường cùng này. Cho đến chừng, lúc này là thời gian đầu của trại cũ, anh em kêu gào vang cả núi rừng, thì bọn CS cai tù mới chạy xuống và cho người khiêng tôi lên trạm xá, là một ngôi nhà lợp bằng tranh và bốn vách cũng bằng tranh. Gọi là trạm xá y tế, nhưng thuốc men thì chẳng có cái quỷ gì, chỉ để che mắt thiên hạ và dư luận quốc tế! Đa số những anh em nào ..."may mắn" được khiêng lên trạm xá để cấp cứu thì cũng có nghĩa là họ sẽ trở thành những cái xác không hồn chẳng bao lâu nữa! Khi thấy tôi được khiêng bằng cáng lên Trạm xá vào giữa đêm bác sĩ Căn, trưởng trạm, cựu chủ tịch đảng bộ Dân Chủ Pleiku, người Bắc mảnh mai, da trắng xanh, có giọng nói nhỏ nhẹ đã nhìn tôi lắc đầu ái ngại, thở dài, vì dẫu sao giữa tôi và ông ấy có tình đồng môn là anh em cùng học y dược với nhau. Tôi còn nhớ rất rõ, còn nhớ rõ -tuy rằng lúc ấy thần trí của tôi nữa đã có lúc nữa tỉnh nữa mê- bác sĩ Căn đã cầm lấy cổ tay như một khúc xương của tôi, nhẹ nhàng thì thầm vào tai tôi nhiều lần: "Phú ơi hãy tin tưởng nhé, cậu sẽ sống, tôi sẽ bằng mọi giá cứu cậu, không được buông xuôi nha, cậu là thằng đàn ông can trường mà, phải sống để về gặp mẹ và gia đình của mình chứ!" Khi nghe bác sĩ Căn nói vậy phản ứng còn sót lại được của tôi chỉ là những giọt nước mắt lăn trên má và ông ấy lấy tay áo tù của ông ta lau những giọt nước mắt cho tôi. Vắn tắt là, BS Căn đã tận tình tận tay đút cho tôi từng muỗng nước canh bầu nấu với tôm khô, là một món súp sang trọng mà chỉ anh Căn mới kiếm được từ nhà bếp của ban giám thị trại. Ngay ngày hôm sau, anh Căn đã ráng năn nỉ với Trung uý công an Tuyến -cũng là người có lòng yêu sự "khẳng khái, can trường" của tôi trước đó- để tức tốc "mua lậu" từ Pleiku ba ống thuốc chích Cloroquin là thuốc chống sốt rét hiệu nghiệm nhất thời đó để chích cứu mạng cho tôi. Nhờ vậy tôi thoát cơn nguy kịch bởi những cơn sốt rét ác tính và có cơ may bình phục về sau. Khi làm công việc mạo hiểm này, anh Căn đã hy sinh sự an nguy của chính mình, vì nếu lộ ra, bản thân anh ấy phải chịu tăng án tập trung, mà thường thì từ ba tới sáu năm. Tôi đã thất lạc với Bác sĩ Căn, không hề còn liên lạc lại được sau khi vượt thoát qua được bến bờ của tự do, cho mãi đến tận bây giờ! Ước mong anh còn sống khỏe mạnh trên đời này và nguyện cầu anh cùng gia đình được bình yên. Và -khi anh ở một đâu đó, một góc trời nào đó trên quả đất này, mong anh còn nhớ đến tôi, và xin anh hiểu rằng trong tôi, trong tim tôi, luôn mang nặng một cái ơn nghĩa của sự cứu mạng, mà tôi sẽ không bao giờ quên trong suốt cuộc đời. Còn rất nhiều việc trái với đạo lý của con người, mà cộng sản đã áp dụng một cách đê hèn và ác độc đến man rợ, để trừng trị những đối thủ về chính trị của họ cũng như để khủng bố những người dân lành, mà trong phạm vi nhỏ hẹp của bài viết này không thể nào diễn tả được hết! Chỉ có có thể vắn tắt được một câu: "cộng sản quả thực là một thảm họa kinh khủng, vượt ra khỏi trí tưởng tượng của nhân loại"

via Facebook https://www.facebook.com/photo.php?fbid=209818423229904&set=a.170669823811431&type=3
Nhận xét
Đăng nhận xét
Hãy cmt một cách có văn hoá